Tập tục tín ngưỡng Văn_hóa_Sa_Huỳnh

Một chum gốm

Tập tục độc đáo của cư dân Sa Huỳnh chính là tập tục chôn người quá cố trong các chum lớn, có những chiếc chum cao đến 1,2 m. Chum được làm từ vật liệu đất đen hay đất có màu đỏ và được nung khá tốt. Người chết được táng trong chum với tư thế ngồi bó gối - như một hiện tượng được sống tiếp với thế giới cõi âm. Đồ tùy táng theo người chết tùy thuộc vào sự giàu có hay nghèo khó của người chết mà có nhiều hay ít hiện vật được chôn theo.

Người Sa Huỳnh cổ rất "sành điệu" và khá duyên dáng trong các đồ trang sức làm bằng đá quý và đá bán quý cũng như pha lê nhiều màu sắc.

Người Sa Huỳnh cổ theo tín ngưỡng thờ mẫu (mẹ, bà) và còn tồn tại cho đến ngày nay ở các dân tộc Chăm, các cư dân bản địa Tây Nguyên. Tuy theo đạo Hồi nhưng đã biến cải thành đạo Bani mang bản sắc văn hóa truyền thống Chămpa thờ thần linh và ông bà tiên tổ. Đồng bào Chăm ăn Tết đầu năm vào ngày 19 tháng 4 Dương lịch. Hai lễ hội lớn hàng năm là Lễ hội Katê (tháng 7 lịch Chăm Pa) để nhớ ơn trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu và tưởng nhớ các vị vua tài đức của họ; và Lễ hội Chabur (tháng 9 âm lịch) để dâng cúng các nữ Thần như nữ thần Pô Inư Nagar, còn gọi là Thiên Y A Na, là bà chúa xứ của đồng bào Chăm. Đặc biệt là sự đối lập giữa Nam thần qua lễ hội Katê và Nữ thần với lễ hội Chabur cùng những ý niệm trời đất, cha mẹ, đực cái… thể hiện triết thuyết âm dương dịch biến luận của người Việt cổ còn lưu giữ mãi tới ngày nay. Đồng bào Chăm còn lưu lại một nền văn hóa cổ với những vần thơ dân gian, những bia ký sử thi văn học, những giai thoại truyền kỳ lịch sử cùng với nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng tinh vi, sống động của truyền thống của người Môn-Việt thời cổ đại.